Cấu tạo Guitar phím lõm

Từ cây đàn ghi-ta 6 dây ban đầu, người ta khoét các phím lõm xuống chừng 1 cm, hình bán nguyệt nhằm tạo ra âm thanh khác biệt, tạo độ ngân rung đặc trưng của ca vọng cổ.

  • Thùng đàn: hình tròn dẹt, đường kính 36 cm.
  • Mặt đàn: mặt đàn phẳng, làm bằng gỗ thông nhẹ, xốp, thành đàn thấp khoảng 8,5 cm làm bằng gỗ cứng có lỗ thoát âm, trên mặt đàn có một bộ phận để mắc dây đàn và một ngựa đàn.
  • Dọc đàn (cần đàn): dài 62 cm làm bằng gỗ cứng, thường dùng gỗ trắc, có tất cả 19 phím bằng kim loại (đồng thau) gắn đàn trên cần đàn: 12 phím đàn gắn đàn trên dọc (cần đàn) và 7 phím gắn trên cần và mặt đàn. Trên dọc (cần đàn), khoảng cách giữa hai ô phím, người ta khoét lỗ sâu xuống cần đàn, để tạo ra hiệu quả âm thanh đặc biệt, như nhấn, rung... thể hiện chữ nhạc dân tộc Việt Nam rõ nét và sâu sắc hơn.
  • Dây đàn: là loại dây kim khí thường là inox, chạy qua ngựa đàn, kéo lên cần đàn, trước khi xỏ vào trục dây được luồn qua một miếng xương đặt trên mặt cần đàn. Qua quá trình hình thành và phát triển, có nhiều hệ thống lên dây như:
  1. Dây Xề Bóp: Sòl, Ðô, Sol, Rế;
  2. Dây Sài Gòn: (Rề), Sol, Rê, Sol, Rế
  3. Dây Rạch Giá: (Rề), Sol, Rê, Sol, La, Mí
  4. Dây Tứ Nguyệt: (Rề), La, Rê, La, Rế
  5. Dây Lai: (Sol), Rê, Sol, Rê, La, Rế
  6. Dây Ngân Giang: Sòl, Rê, Sol, Si, Rế, hoặc Rề, La, Rê, Fa#, La.
  7. Dây bán Ngân Giang: Rê, Sol, Rê, Si, Rế

Hiện nay hệ thống dây Lai: Rê, Sol, Rê, La, Rế (có khi 6 dây: Sol, Rê, Sol, Rê, La, Rế) được coi là phổ biến nhất được sử dụng để biểu diễn, giảng dạy và học tập, đặc biệt hai dây đàn số 1 và số 2 có tiết diện nhỏ hơn dây Ghi-Ta bình thường để tạo cho âm sắc mềm mại và thanh thoát hơn.

  • Bộ phận lên dây: có 6 trục để lên dây, mỗi trục xuyên ngang thành đàn (ở đầu đàn) để mắc dây và lên dây.
  • Miếng gảy đàn: nghệ nhân gảy đàn bằng miếng nhựa với những ngón gảy, hất, vê, khảy, móc...